Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư

Sau 2 năm có mặt tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) đã chứng minh hiệu quả trong chữa bệnh, được các hội đồng chuyên môn đánh giá cao. Từ đây, nhu cầu cấp thiết áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến trong y tế, vai trò của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm quá tải và làm hài lòng người bệnh được chỉ rõ.

Thông tin này được PGS.TS. Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/4.

Mang hi vọng cho các bệnh nhân ung thư
IBM Watson for Oncology (WFO)là hệ trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên biệt, chỉ nhằm cung cấp các giải pháp cho bệnh ung thư. Hệ thống hỗ trợ bác sĩ bằng cách đưa ra các phác đồ điều trị ung thư tối ưu, đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân tại Trung tâm MSKCC (Memorial Sloan Kettering Cancer Center) của Mỹ. Hiện nay, có 3 bệnh viện tại Việt Nam thử nghiệm IBM WFO, là Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.

Đã có hơn 500 bệnh nhân mắc các loại ung thư như vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, cổ tử cung ở Việt Nam được tiếp cận vị “bác sĩ” ảo này. Trong đó có chị Đàm Thị H. (quê Vĩnh Phúc), mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn xương, từng phải điều trị nội trú dài ngày tại BBVĐK tỉnh Phú Thọ. Sau khi H. được bác sĩ tư vấn sử dụng sự hỗ trợ của vị “bác sĩ” ảo IBM WFO, sức khỏe của chị cải thiện rõ rệt, hầu như không gặp phản ứng phụ của thuốc.

“Cuộc sống của tôi dần quay trở lại như trước khi chưa mắc bệnh. Một điều trước đây khi ngồi trên xe lăn tôi không dám mơ ước tới” – H. tâm sự.

PGS.TS. Trần Quý Tường cho biết, rất nhiều người bệnh có chuyển biến tích cực, đáp ứng thuốc tốt; một số bệnh nhân hồi phục sức khỏe, được ra viện; nhiều người bệnh từ trạng thái nằm liệt giường đã sinh hoạt bình thường sau khi được tiếp cận với trí tuệ nhân tạo IBM WFO.

Không chỉ giúp cho các bệnh nhân ung thư cơ hội khỏe mạnh trở lại, IBM WFO còn giúp các bác sĩ cập nhật nhanh chóng các phác đồ, các thuốc mới trong điều trị ung thư, để đưa ra kế hoạch điều trị hiệu quả và phù hợp cho từng bệnh nhân.

PGS.TS. Trần Quý Tường cho biết, với IBM WFO, bác sĩ có trong tay những hướng dẫn chẩn đoán hỗ trợ điều trị ung thư rất phù hợp, hỗ trợ nhiều ca bệnh. Đặc biệt, trong trường hợp của BVĐK tỉnh Phú Thọ, nhiều người bệnh từ trạng thái nằm liệt giường đã sinh hoạt bình thường sau khi được tư vấn điều trị theo phác đồ của vị “bác sĩ” này.

Tiến tới ứng dụng AI trong các mục tiêu trụ cột của y tế

Tuy IBM WFO đã giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân hồi phục sức khỏe, song đại diện của đơn vị đưa công nghệ IBM WFO về Việt Nam cho biết, vẫn còn có hạn chế trong khi áp dụng thực tế công nghệ này tại các bệnh viện trong nước, như một số thuốc chưa sẵn có; chi phí cao, chưa được bảo hiểm y tế chi trả; hệ thống chưa căn cứ về điệu kiện kinh tế và yếu tố chủ quan của người bệnh; một số xét nghiệm chi phí cao hoặc bệnh viện chưa thể làm được…

Bác sĩ Đào Văn Tú, công tác tại Bệnh viện K, cũng cho hay, để sử dụng IBM WFO, bác sĩ bắt buộc phải giỏi tiếng Anh, hiểu biết chuyên môn sâu để áp dụng đúng, tránh nhập sai dữ liệu. IBM WFO hiện mới chỉ ứng dụng điều trị 13 loại ung thư phổ biến…

 

Song, bác sĩ Tú khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong y tế là rất cần thiết. Các bác sĩ sẵn sàng chung tay xây dựng, hoàn thiện phần mềm để ứng dụng thực tiễn, giúp người bệnh hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Mặc dù vẫn có những khó khăn tồn tại, song những kết quả tích cực của IBM WFO đã được Bộ Y tế đánh giá cao, đồng thời, khuyến nghị các bệnh viện, các cơ sở y tế căn cứ vào năng lực thực tế, trình độ của bác sĩ, để triển khai phần mềm hỗ trợ các bác sĩ chuyên ngành ung thư, mang lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh.

PGS.TS. Trần Quý Tường cho biết thêm, Bộ Y tế quyết tâm tiếp cận và đưa AI vào ứng dụng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, AI sẽ được ứng dụng trong 3 mục tiêu trụ cột của đề án phát triển y tế thông minh, do Bộ xây dựng trong thời gian tới: Trong y tế dự phòng, trí tuệ nhân tạo giúp xây dựng các phần mềm cảnh báo sớm dịch bệnh; trong khám, chữa bệnh, trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong các chuyên ngành, chuyên khoa từ khám, điều trị, phẫu thuật, tư vấn, hướng tới khám, chữa bệnh thông minh, quản trị thông minh…

 

“Ngày nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành và trong đời sống xã hội đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho con người và ngày càng phát triển. Trong xu thế phát triển chung đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh là cần thiết, phù hợp và hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc chẩn đoán và điều trị bệnh.” – PGS.TS. Trần Quý Tường kết luận.

(Theo baomoi.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ ngay

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn phần mềm