Đột phá từ bệnh án điện tử
Bà Lâm Ngọc Yến (tỉnh Cà Mau) đến BV Quận Thủ Đức tái khám bệnh viêm sung huyết niêm mạc, hang vị. Sau khi gửi xe, bà Yến đến thẳng bộ phận tiếp nhận khám chữa bệnh rồi đưa thẻ bảo hiểm y tế, kèm yêu cầu khám bệnh.
Nhân viên BV sau khi quét mã vạch trên thẻ bảo hiểm y tế, lập tức in ra mẫu giấy với đầy đủ thông tin họ tên, mã bệnh nhân của bà Yến, cùng phòng khám, số thứ tự khám bệnh và thời gian dự kiến khám bệnh. Vậy là chưa đầy 1 phút, bà Yến đã đăng ký khám bệnh thành công và còn xác định được thời gian vào phòng khám nên rất chủ động, thay vì cứ ngồi trước phòng chờ khám. Như vậy, các công đoạn của quy trình đăng ký khám bệnh truyền thống: nộp sổ – chờ gọi tên – hỏi nhu cầu khám bệnh – lấy số thứ tự – chờ khám… đã được lược bỏ.
“Mỗi lần đến BV Quận Thủ Đức khám bệnh, tôi chỉ cần mang thẻ bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân. Khi vào phòng khám, bác sĩ mở lại bệnh án lưu trong máy tính, có thông tin của những lần khám trước nên thời gian khám bệnh nhanh hơn. Nếu các BV đều áp dụng bệnh án điện tử và có sự liên thông, đồng bộ với nhau thì càng thêm tiện lợi cho người dân”, bà Yến bày tỏ.
Ngoài ra, một khi bác sĩ chẩn đoán được bệnh của bệnh nhân (ngoại trú) thì hệ thống sẽ hiển thị các xét nghiệm cận lâm sàng, gợi ý các danh mục thuốc còn trong kho. Do đó, tình huống kê toa – ngồi chờ – nhận thuốc, nhưng hết thuốc và quay trở lại phòng khám đề nghị bác sĩ kê toa thuốc mới không còn xảy ra.
Thông tư 46/2018 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 1-3-2019) đã yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ BAĐT. Hồ sơ BAĐT phải có toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy. |
Theo BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, BV đã áp dụng thành công hồ sơ BAĐT cho cả bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú. Mỗi bệnh nhân đến khám chữa bệnh đều được cấp mã số riêng. Hồ sơ của bệnh nhân đã được lưu trữ trên hệ thống máy tính của BV nên việc theo dõi dữ liệu qua các lần siêu âm, chụp phim… cũng rất dễ dàng.
Nhớ lại khởi nguồn thực hiện hồ sơ BAĐT, BS Nguyễn Minh Quân nhận xét, tuy các cơ sở y tế có nhiều giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn cho bệnh nhân; đồng thời áp dụng nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc người bệnh. Song, tình trạng quá tải ở các BV vẫn là nan giải. Chứng kiến cảnh bệnh nhân xếp hàng chờ khám khiến ông đặt quyết tâm tìm tòi giải pháp mới.
Đồng hành với BS Nguyễn Minh Quân trong việc xây dựng, hoàn thiện BAĐT, ông Phan Văn Bảo An, Trưởng phòng Công nghệ thông tin BV Quận Thủ Đức, cho hay: “Là BV tuyến dưới có những hạn chế nhất định về chuyên môn, cuối năm 2007, lãnh đạo BV đặt ra yêu cầu tạo sự đột phá cho sự phát triển của BV qua việc áp dụng công nghệ thông tin.
Ban đầu, BV chỉ áp dụng những ứng dụng đơn giản như phần mềm quản lý thông tin bệnh nhân, nhập thông tin đăng ký khám bệnh, ra toa thuốc. Dần dần, mở rộng ra các phân hệ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thu viện phí và số hóa hồ sơ rồi “tích hợp, nâng cấp” thành hồ sơ BAĐT”.
Như vậy, qua nhiều năm nghiên cứu, hiệu chỉnh, đến năm 2016, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM và cơ quan bảo hiểm y tế, BV Quận Thủ Đức đã áp dụng hồ sơ BAĐT, giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh, tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y – bác sĩ, hướng đến việc điều trị hiệu quả, chất lượng.
(nguồn http://www.sggp.org.vn)